Mode:         

Chi tiết tin

Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn huyện Hiệp Đức

Lượt xem: 330

ĐỀ ÁN
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của huyện Hiệp Đức

  Căn cứ Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 117/NQ-CP, ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; Phương án số 1293/PA-UBND, ngày 27/2/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025, Ủy ban nhân dân huyện Hiệp Đức xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của huyện Hiệp Đức, như sau:

Phần I

CĂN CỨ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT
SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ

 

I. CĂN CỨ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ

1. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

2. Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

3. Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 47/2019/QH14.

4. Nghị quyết số 56/2017/QH14, ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

5. Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15, ngày 21/9/2022.

6. Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

7. Nghị quyết số 117/NQ-CP, ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025;

8. Chỉ thị số 42-CT/TU, ngày 12/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030;

9. Kế hoạch số 6019/KH-UBND, ngày 06/9/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam về triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được điều chỉnh, bổ sung tại Công văn số 1278/UBND-NCKS, ngày 22/02/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam;

10. Phương án số 1293/PA-UBND, ngày 27/2/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025.

II. SỰ CẦN THIẾT SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HIỆP ĐỨC, GIAI ĐOẠN 2023 - 2025.

Từ sau khi thành lập huyện (năm 1986), ĐVHC cấp xã ở huyện Hiệp Đức được chia tách, thành lập mới, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn lịch sử và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021, huyện Hiệp Đức hiện có 10 xã và 01 thị trấn[1], với 46 thôn, khối phố).

Qua  triển khai rà soát, đối chiếu tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 01 xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định (xã Hiệp Thuận). Quy mô các ĐVHC nhỏ, không gian phát triển bị thu hẹp, dẫn đến gặp khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội; phân tán nguồn lực trong đầu tư phát triển; ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy, xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc tăng,...

Do vậy, sắp xếp các ĐVHC cấp xã chưa đảm bảo tiêu chuẩn là cần thiết nhằm góp phần giảm quy mô ĐVHC, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2023 - 2025, thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Kết luận số 48-KL/TW, tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính xã Hiệp Thuận có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định.

 

Phần II

HIỆN TRẠNG CÁC ĐVHC CẤP XÃ CỦA HUYỆN HIỆP ĐỨC

 

I. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP, NHẬP, CHIA ĐỊA GIỚI ĐVHC CÁC CẤP CỦA HUYỆN HIỆP ĐỨC TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY

1. Khái quát quá trình thành lập, nhập, chia, địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã và sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện

- Ngày 31/12/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 289/QĐ-HĐBT về việc thành lập huyện Hiệp Đức, trên cơ sở diện tích tự nhiên và dân số của các xã thuộc các huyện: Thăng Bình (gồm 2 xã: Bình Lâm, Thăng Phước); huyện Quế Sơn (gồm 4 xã: Quế Thọ, Quế Tân, Quế Bình, Quế Lưu) và huyện Phước Sơn (gồm 2 xã: Phước Gia, Phước Trà).

- Ngày 11/01/1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 05/QĐ-HĐBT chia tách xã Quế Thọ thành 02 ĐVHC là xã Quế Thọ và thị trấn Tân An; chia tách xã Thăng Phước thành 02 ĐVHC là xã Thăng Phước và xã Bình Sơn.

- Ngày 22/9/1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 146/QĐ-HĐBT thành lập xã Hiệp Hoà và xã Hiệp Thuận trên cơ sở chia tách xã Quế Tân.

- Ngày 21/3/2002, thành lập xã Sông Trà trên cơ sở chia tách một phần diện tích, dân số xã Phước Trà theo Nghị định số 27/2002/NĐ-CP của Chính phủ.

- Ngày 10/01/2020, thành lập thị trấn Tân Bình trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Tân An và xã Quế Bình theo Nghị quyết 863/NQQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Như vậy, sau khi chia tách, thành lập mới, đến nay huyện Hiệp Đức có 10 xã và 01 thị trấn, với diện tích tự nhiên 496,88 km2, dân số 47.473 người [2]

2. Số lượng ĐVHC các cấp tại thời điểm lập Đề án

- ĐVHC cấp huyện: 01;

- ĐVHC cấp xã:  11 (10 xã, 01 thị trấn)

II. ĐVHC CÁC CẤP CỦA HUYỆN HIỆP ĐỨC

1. ĐVHC huyện Hiệp Đức

- Diện tích tự nhiên: 496,88 km2.

- Quy mô dân số: 47.473 người, trong đó, dân số thường trú 47.118 người, dân số tạm trú quy đổi là 355 người.

- Các chỉ tiêu cơ bản về phát triển KT-XH năm 2022[3]:

+ Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn theo giá hiện hành phân theo ngành kinh tế: 2.944,81 tỉ đồng. Trong đó: Nông - lâm - thủy sản 805,77 tỉ đồng; công nghiệp - xây dựng 1.450,53 tỉ đồng; thương mại - dịch vụ 688,51 tỉ đồng.

+ Tổng thu ngân sách nhà nước: 839.153 tỉ đồng. Tổng chi ngân sách 796.364 tỉ đồng.

+ Số trường học: 24 trường.

+ Số cơ sở y tế: 12 cơ sở với 90 giường bệnh.

+ Tỉ lệ thôn, khối phố đạt chuẩn văn hóa: 91,30%.

+ Tỉ lệ hộ dân cư đạt chuẩn văn hóa: 94,53%  

+ Tỉ lệ hộ nghèo: 7,54%; tỉ lệ hộ cận nghèo: 2,91%.

2. Số lượng ĐVHC cấp xã

a) Tổng số ĐVHC cấp xã: Sau khi thực hiện sắp xếp 02 ĐVHC cấp xã (nhập xã Quế Bình và thị trấn Tân An thành thị trấn Tân Bình) ở giai đoạn 2019 - 2021, hiện nay trên địa bàn huyện có 11 ĐVHC cấp xã (10 xã, 01 thị trấn).

b) Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp: 01 xã.

c) Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp: Không có.

d) Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp: Không có.

đ) Số lượng ĐVHC cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới ĐVHC khi thực hiện phương án sắp xếp: 01 xã.

III. HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP XÃ THỰC HIỆN SẮP XẾP

1. Hiện trạng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp

- Tên ĐVHC cấp xã: Xã Hiệp Thuận.

- Thuộc khu vực: Miền núi; có yếu tố đặc thù: Không có.

- Diện tích tự nhiên (km2): 30,75 km2.

- Quy mô dân số (người): 2.018 người, trong đó, dân số thường trú 2.006  người, dân số tạm trú quy đổi là 12 người.

- Số dân là người dân tộc thiểu số: 06 người (tỷ lệ 0,3%).

- Số thôn trực thuộc: 02 thôn (Thuận An, Tân Thuận).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Được hưởng hệ số phụ cấp khu vực (hệ số 0.2).

- Các ĐVHC cùng cấp liền kề: xã Hiệp Hòa, xã Quế Thọ, thị trấn Tân Bình (huyện Hiệp Đức); xã Quế Lộc, xã Ninh Phước (huyện Nông Sơn).

2. Hiện trạng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp: Không có.

3. Hiện trạng ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp: Không có.

4. Hiện trạng ĐVHC cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới ĐVHC khi thực hiện phương án sắp xếp:

- Tên ĐVHC cấp xã: Xã Hiệp Hòa.

- Thuộc khu vực: Miền núi; có yếu tố đặc thù: Không có.

- Diện tích tự nhiên (km2): 60,53 km2.

- Quy mô dân số (người): 2.402 người, trong đó, dân số thường trú 2.391 người, dân số tạm trú quy đổi là 11 người.

- Số dân là người dân tộc thiểu số: 13 người (tỷ lệ 0,54%).

- Số thôn trực thuộc: 03 thôn (Trà Linh Tây, Trà Linh Đông, Bình Kiều).

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: Được hưởng hệ số phụ cấp khu vực (hệ số 0.2).

- Các ĐVHC cùng cấp liền kề: xã Sông Trà, xã Hiệp Thuận, thị trấn Tân Bình (huyện Hiệp Đức); xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn); xã Quế Lâm, xã Ninh Phước (huyện Nông Sơn).

(Chi tiết nêu tại các Phụ lục 2-1A, 2-2A, 2-2B kèm theo)

Phần III

PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ CỦA HUYỆN HIỆP ĐỨC

GIAI ĐOẠN 2023-2025

 

I. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ THUỘC DIỆN SẮP XẾP

1. Phương án sắp xếp

 - Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hiệp Thuận (diện tích tự nhiên: 30,75 km2, đạt 61,5% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số: 2.018 người, đạt 40,36% so với tiêu chuẩn) với xã Hiệp Hòa (diện tích tự nhiên: 60,53 km2, đạt 121,06% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số: 2.402 người, đạt 48,04% so với tiêu chuẩn) để thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới.

- Sau khi sắp xếp, đơn vị hành chính mới thành lập có diện tích: 91,28 km2 (đạt 182,56%), dân số: 4.420 người (đạt 88,4%).

2. Cơ sở và lý do của việc sắp xếp ĐVHC

- Về vị trí địa lý: Xã Hiệp Thuận và xã Hiệp Hòa là hai đơn vị hành chính liền kề, có chung đường địa giới hành chính; cùng nằm toàn bộ phía bờ Bắc của sông Tranh; chung tuyến đường ĐH.5.HĐ đi qua.

- Giai đoạn năm 1982-1989, xã Hiệp Thuận và xã Hiệp Hòa trước đây thuộc xã Quế Tân; đến năm 1989, 02 xã được thành lập trên cơ sở chia tách xã Quế Tân.

- Về truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Nhân dân 02 xã Hiệp Hòa và Hiệp Thuận gắn liền và tương đồng với nhau.

- Cả 02 xã Hiệp Hòa và Hiệp Thuận được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020, có kinh tế phát triển căn bản, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ.

Do vậy, việc nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số xã Hiệp Thuận và xã Hiệp Hòa để thành lập đơn vị hành chính mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý địa bàn; đầu tư cơ sở hạ tầng, tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

3. Kết quả sau sắp xếp

Sau khi sắp xếp, đơn vị hành chính mới thành lập có:

- Diện tích tự nhiên: 91,28  km2 (đạt tỷ lệ 182,56% so với tiêu chuẩn).

- Quy mô dân số: 4.420 người (đạt tỷ lệ 88,4% so với tiêu chuẩn);

- Số người là dân tộc thiểu số: 19 người (tỷ lệ 0,43%).

- Tên gọi của đơn vị hành chính mới: Dự kiến lấy tên gọi là “Quế Tân”, trong quá trình thực hiện sẽ lấy ý kiến của cử tri thống nhất về tên gọi của đơn vị hành chính mới thành lập. Xã Hiệp Hòa và Hiệp Thuận trước đây là xã Quế Tân (từ năm 1982-1989) được chia tách tại Quyết định số 146/QĐ-HĐBT ngày 22/9/1989 của Hội đồng Bộ trưởng. Ở giai đoạn 2019 - 2021, khi dự kiến thực hiện sắp xếp các xã này theo diện khuyến khích, đã thực hiện lấy ý kiến cử tri về các nội dung liên quan, trong đó có tên gọi sau khi xếp là ”xã Quế Tân” và nhận được sự đồng thuận cao của cử tri 02 xã (tỉ lệ thống nhất trên 90%).

- Số thôn trực thuộc: 05 thôn (Thuận An, Tân Thuận, Trà Linh Tây, Trà Linh Đông, Bình Kiều).

- Số đơn vị hành chính cùng cấp liền kề: Phía Đông giáp với thị trấn Tân Bình và xã Quế Thọ; phía Tây giáp với xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn) và xã Sông Trà (huyện Hiệp Đức); phía Nam giáp với thị trấn Tân Bình và xã Sông Trà; phía Bắc giáp với xã Quế Lâm, Ninh Phước và Quế Lộc (huyện Nông Sơn).

- Nơi đặt trụ sở làm việc: Trước mắt, đặt tại trụ sở làm việc của xã Hiệp Hòa hiện nay.

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện Hiệp Đức có 10 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 01 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay), gồm: 09 xã và 01 thị trấn[4].

II. GIẢI TRÌNH TRƯỜNG HỢP ĐVHC, CẤP XÃ HÌNH THÀNH SAU SẮP XẾP KHÔNG ĐẠT TIÊU CHUẨN DIỆN TÍCH TỰ NHIÊN, QUY MÔ DÂN SỐ THEO QUY ĐỊNH

Sau khi nhập nguyên trạng xã Hiệp Thuận và xã Hiệp Hòa để thành lập đơn vị hành chính mới, đơn vị hành chính mới đạt tiêu chuẩn về diện tích (đạt 182,56%) nhưng chưa đạt tiêu chuẩn dân số (đạt 88,4%) theo quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, không thể sắp xếp thêm các ĐVHC xã liền kề khác, vì:

- Các xã: Quế Thọ, Sông Trà có diện tích tự nhiên chưa đạt 100% tiêu chuẩn quy định; địa hình bị ngăn cách bởi sông, núi hiểm trở; mặt khác các vùng tiếp giáp với các xã Hiệp Hòa, Hiệp Thuận chủ yếu là đồi núi, dân cư thưa thớt.

- Thị trấn Tân Bình: Là ĐVHC đã được sắp xếp ở giai đoạn 2019 - 2021, hiện đang hoạt động ổn định, hiệu quả.

Quy mô dân số luôn biến động theo chiều hướng gia tăng; bên cạnh đó, trong thời gian qua, cơ sở hạ tầng tại các xã Hiệp Hòa, Hiệp Thuận được đầu tư xây dựng đồng bộ như đường ĐH.5.HĐ, Cầu Trà Linh và các công trình phục vụ dân sinh khác sẽ góp phần tăng quy mô dân số trong những năm tiếp theo.

III. SỐ LƯỢNG ĐVHC CẤP XÃ SAU SẮP XẾP

1. Số lượng ĐVHC cấp xã trước khi thực hiện sắp xếp: 11 ĐVHC (10 xã, 01 thị trấn).

2. Số lượng ĐVHC cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp: 10 ĐVHC (09 xã, 01 thị trấn).

3. Số lượng ĐVHC cấp xã giảm do sắp xếp: 01 ĐVHC.

Phần IV

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

I. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG KHI THỰC HIỆN SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ

1. Tác động về hoạt động quản lý nhà nước

a) Tác động tích cực

Sắp xếp ĐVHC cấp xã sẽ tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, giảm chi ngân sách; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; tạo sự bền vững trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực của xã hội; có điều kiện để đổi mới chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách.

b) Tác động tiêu cực

Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã sẽ làm thay đổi các loại giấy tờ của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Do vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có lộ trình, kế hoạch để thực hiện đảm bảo quyền lợi của cá nhân, tổ chức..

Sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy được tinh gọn, đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách giảm theo quy định, một số người phải làm việc ở địa bàn mới, trong khi đó, quy mô ĐVHC mới tăng cả về diện tích và dân số, vì vậy, sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động quản lý nhà nước.

2. Tác động về kinh tế - xã hội 

a) Tác động tích cực

- Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã tạo điều kiện để phát triển không gian lãnh thổ kéo theo sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, dịch vụ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Phát huy được lợi thế của từng vùng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tăng nguồn lực phát triển.

- Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, tạo thuận lợi cho công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn phù hợp với tình hình phát triển của địa phương.

- Việc sáp nhập các đơn vị cấp xã làm giảm chi phí đầu tư vào xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa hàng năm. Tiết kiệm ngân sách nhà nước hàng năm phục vụ cho đầu tư phát triển.

- Sau khi sáp nhập, xã mới được thành lập sẽ thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa, các phong tục tập quán tốt đẹp để giữ gìn bản sắc dân tộc của các vùng. Mặt khác, có điều kiện để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ cho sinh hoạt văn hóa và các hoạt động chăm sóc sức khỏe và phục vụ đời sống nhân dân trên địa bàn tốt hơn.

- Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng không gian quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

b) Tác động tiêu cực

- Quá trình mở rộng quy mô ĐVHC sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý trên các lĩnh vực KT-XH.

- Dư thừa một số công trình đã đầu tư xây dựng trước đây, như: trụ sở làm việc, Nhà văn hóa, Trạm y tế,... nếu không quản lý tốt dẫn đến dễ thất thoát, lãng phí tài sản công.

3. Tác động về quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội

a) Tác động tích cực

Sắp xếp ĐVHC cấp xã làm tăng quy mô, nguồn lực, hiệu quả đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội gắn tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

b) Tác động tiêu cực

Sau sáp nhập, quy mô quản lý hành chính được mở rộng, các hoạt động xã hội tại khu vực thường có xu hướng xáo trộn, phức tạp hơn so với trước khi sáp nhập gây khó khăn cho công tác quản lý địa bàn. Từ đó, cần có sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt, tập trung xây dựng tốt các lực lượng quản lý trật tự ở khu dân cư để đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

4. Tác động về cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công

a) Tác động tích cực

- Hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư nâng cấp, nhất là hệ thống máy tính, đường truyền internet, cổng thông tin điện tử, là cơ hội để tăng cường, phát huy sử dụng có hiệu quả phần mềm Một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên môi trường mạng, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho Nhân dân, tăng tính minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã.

- Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ tốt cho người dân, tổ chức trên địa bàn.

b) Tác động tiêu cực

- Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã sẽ làm tăng quy mô dân số nên khối lượng công việc về thủ tục hành chính, nhu cầu về dịch vụ công sẽ tăng mạnh; trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách giảm theo quy định gây khó khăn cho việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.

- Trụ sở làm việc có sự thay đổi sau sắp xếp ĐVHC cấp xã nên có những khó khăn nhất định khi công dân liên hệ công việc, nhất là đối với người dân ở nơi xa trụ sở.

II. NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN VÀ GIẢI PHÁP KHI THỰC HIỆN SẮP XẾP CÁC ĐVHC CẤP XÃ

1. Thuận lợi

- Hệ thống văn bản chỉ đạo đầy đủ, là cơ sở pháp lý đảm bảo để triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.

- Có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

- Các đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 đều có cùng lịch sử hình thành, có những điểm tương đồng về văn hóa và liền kề về địa giới hành chính nên tương đối thuận lợi trong trong triển khai sắp xếp. Bên cạnh đó, ở giai đoạn 2019 - 2021, đây là 02 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp, và được đồng thuận cao từ nhân dân 02 xã (đạt trên 90%).

- Cơ sở hạ tầng của xã Hiệp Hòa và Hiệp Thuận được đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới.

- Có kinh nghiệm thực hiện sắp xếp ĐVHC ở giai đoạn 2019 - 2021.

2. Khó khăn

- Việc tổ chức, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là vấn đề phức tạp, liên quan đến tất cả các mặt của đời sống xã hội ở địa phương, Vì vậy, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ và Nhân dân.

- Các ĐVHC cấp xã sau khi sắp xếp phải thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung giấy tờ tùy thân đối với các cá nhân, tổ chức; hướng dẫn việc thay đổi địa chỉ nơi ở, nơi làm việc, kinh doanh… của các cá nhân, tổ chức.

- Công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã gặp khó khăn do số lượng dôi dư tương đối lớn, đa số có tuổi đời trẻ và có trình độ đạt chuẩn theo quy định; việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức phải đảm bảo đúng chuyên ngành đào tạo theo quy định.

- Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới sau sáp nhập không đáp ứng
yêu cầu, do số lượng cán bộ, công chức lớn hơn quy định; việc quản lý, xử lý các tài sản công dôi dư như các trụ sở, trạm y tế...nếu không được thực hiện tốt sẽ gây lãng phí tài sản công.

3. Giải pháp khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã

a) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở về công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự
thống nhất, đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên và toàn thể Nhân dân về mục tiêu, mục đích của việc sáp nhập. Tăng cường theo dõi, nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời phát hiện và tham gia giải quyết làm ổn định tình hình khi có những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Thành lập các Đoàn kiểm tra kiểm tra công tác quán triệt, triển khai Kế hoạch, triển khai thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025 và việc thực hiện các nội dung: Niêm yết tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri; Lập danh sách cử tri và niêm yết tại trụ sở làm việc, các nhà văn hóa thôn, khu dân cư thuộc các xã; Tổ chức in phiếu lấy ý kiến cử tri; phát phiếu lấy ý kiến cử tri, đồng thời, tập trung, tăng cường chỉ đạo việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục để tạo sự đồng thuận của cử tri trên địa bàn để tổ chức lấy ý kiến của cử tri; Tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn đối với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 66/2023/NĐ-CP ngày 24/8/2023 về hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC…

III. KẾ HOẠCH, LỘ TRÌNH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN VIỆC SẮP XẾP ĐVHC, CẤP XÃ

1. Kế hoạch và lộ trình thực hiện

- Năm 2023: Xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC đối với xã Hiệp Thuận và xã Hiệp Hòa.

- Năm 2024:

+ Xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC đối với xã Hiệp Thuận và xã Hiệp Hòa.

+ Hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

+ Hoàn thành sắp xếp tổ chức cơ sở đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở đơn vị thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo đúng quy định.

+ Tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

+ Tập trung giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

+ Sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

+ Thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của các tổ chức và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

+ Triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

- Năm 2025:

+ Tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 (trong đó có ĐVHC hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025).

+ Tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách dôi dư do sắp xếp ĐVHC và những người dôi dư sau đại hội đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030 ở ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

+ Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công tại ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

+ Rà soát, đề nghị điều chỉnh các quy hoạch trên địa bàn huyện, nhất là đối với đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

+ Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

+ Tiếp tục triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

+ Phối hợp thực hiện việc lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC liên quan đến ĐVHC thực hiện sắp xếp;

+ Sơ kết việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

2. Dự kiến kinh phí triển khai thực hiện

Việc chỉ đạo, tổ chức lập dự toán, phân bổ, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện căn cứ theo Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và các văn bản pháp luật có liên quan; sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên trong khoản ngân sách nhà nước đã được giao trong thời kỳ ổn định ngân sách của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp để chi các nhiệm vụ: Tổ chức tuyên truyền, vận động về sắp xếp ĐVHC; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp ĐVHC; hỗ trợ cho các đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập sau sắp xếp; công tác tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC...

Đề xuất hỗ trợ kinh phí trình cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

IV. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY, BỐ TRÍ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH KHI THỰC HIỆN SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ

1. Phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức sau sắp xếp ĐVHC

a) Về tổ chức Đảng bộ

- Thành lập Đảng bộ mới trên cơ sở hợp nhất các tổ chức đảng của đơn vị cùng cấp trước khi sắp xếp theo quy định của Điều lệ Đảng.

- Việc kiện toàn tổ chức đảng ở ĐVHC mới thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng và các các văn bản hướng dẫn liên quan.

b) Về tổ chức Hội đồng nhân dân

- Đại biểu HĐND xã Hiệp Thuận và xã Hiệp Hòa hợp thành đại biểu HĐND xã mới (xã Hiệp Hòa: 14 đại biểu; xã Hiệp Thuận: 13 đại biểu) và hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2021-2026 theo Điều 134 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

- Việc kiện toàn các chức danh của HĐND ở ĐVHC mới thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và các văn bản hướng dẫn liên quan.

c) Về Ủy ban nhân dân: UBND huyện chỉ định chức vụ Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND lâm thời ở ĐVHC mới và hoạt động cho đến khi HĐND ở ĐVHC mới bầu các chức vụ của UBND ở ĐVHC mới.

d) Đối với Công an xã: Đề nghị Công an tỉnh thành lập Công an xã mới trên cơ sở lực lượng Công an xã Hiệp Hòa và Công an xã Hiệp Thuận hiện nay.

đ) Đối với Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã: Đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thành lập Ban chỉ huy Quân sự xã mới trên cơ sở BCH Quân sự xã Hiệp Hòa và xã Hiệp Thuận hiện nay.

e) Về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hội quần chúng: Thực hiện theo Điều lệ của từng tổ chức và các văn bản hướng dẫn liên quan của cấp có thẩm quyền.

f) Đối với thôn: Xã mới có 05 thôn (trên cơ sở giữ nguyên trạng 03 thôn của xã Hiệp Hòa và 02 thôn của xã Hiệp Thuận hiện nay), gồm: Trà Linh Tây, Trà Linh Đông, Bình Kiều, Thuận An, Tân Thuận.

g) Đối với các trường học: Sáp nhập phân hiệu của trường Tiểu học Lê Văn Tám (tại Hiệp Thuận) vào Trường TH&THCS Lý Thường Kiệt, giữ nguyên 2 điểm trường mẫu giáo Hoa Anh Đào.

h) Đối với Trạm y tế: Đề nghị Sở Y tế hợp nhất nguyên trạng các Trạm y tế ở các xã: Hiệp Hòa, Hiệp Thuận nhưng trước mắt vẫn duy trì khám, chữa bệnh tại các vị trí hiện nay. Đồng thời, có phương án sắp xếp đội ngũ viên chức y tế, viên chức dân số ở ĐVHC mới thành lập phù hợp.

i) Đối với các tổ chức hội quần chúng: Thành lập các hội của xã mới trên cơ sở sáp nhập các hội của xã Hiệp Hòa và xã Hiệp Thuận.[5]

2. Phương án và lộ trình bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách sau sắp xếp ĐVHC

a) Thực trạng số lượng đội ngũ CBCC, người hoạt động không chuyên trách

- Tổng số CBCC, người hoạt động không chuyên trách xã Hiệp Thuận và xã Hiệp Hòa hiện có là 60 người. Trong đó, CBCC: 36 người (cán bộ 19; công chức 17); người hoạt động không chuyên trách: 24.

- Sau khi sắp xếp sẽ tiến hành rà soát, đánh giá và phân loại ĐVHC ở ĐVHC mới thành lập, trên cơ sở đó, bố trí đội ngũ CBCC, người hoạt động không chuyên trách phù hợp theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (dự kiến sau khi sắp xếp, xã mới được phân loại II, số lượng được giao sẽ là 20 CBCC và 12 NHĐKCT; số lượng dôi dư là: 16 CBCC, 12 NHĐKCT).

b) Phương án, lộ trình bố trí, sắp xếp

- Thời gian hoàn thành việc sắp xếp CBCC, NHĐKCT: Trong 5 năm (60 tháng) kể từ ngày thành lập ĐVHC mới theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.

- Dự kiến các phương án sắp xếp đối với CBCC như sau:

+ Điều động công chức đển bổ sung cho các ĐVHC khác còn thiếu: 07 công chức.

+ Chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức, viên chức huyện: 03 cán bộ, công chức.

+ Vận động nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưởng chế độ chính sách dôi dư theo quy định: 06 cán bộ.

+ Giải quyết thôi việc đối với các trường hợp không đủ tiêu chuẩn theo quy định.

- Dự kiến các phương án sắp xếp đối với NHĐKCT như sau:

- Tiến hành điều động để bổ sung cho các ĐVHC còn thiếu, đang thực hiện kiêm nhiệm chức danh NHĐKCT[6].

- Vận động giải quyết thôi việc hưởng chế độ theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP  và Nghị quyết số 37/2023/NQ-HĐND.

3. Phương án và lộ trình giải quyết chế độ, chính sách sau sắp xếp ĐVHC

a) Đối với cán bộ, công chức

- Tiến hành rà soát về độ tuổi, trình độ đào tạo, các điều kiện như sức khỏe, năng lực chuyên môn... của cán bộ, công chức; tuyên truyền, vận động, đề nghị các cấp giải quyết chế độ theo nguyện vọng; thực hiện chế độ tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế; Nghị định 46/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức; Nghị quyết số 37/2023/NQ-HĐND ngày 29/12/2023  của HĐND tỉnh Quảng Nam và những văn bản của Trung ương, của tỉnh để thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã về thực hiện chủ trương này.

- Thực hiện giảm số lượng cán bộ, công chức dôi dư theo lộ trình trong 05 năm ( theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) sau khi có hướng dẫn Trung ương, của tỉnh về danh mục, số lượng vị trí việc làm và tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế.

b) Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã

- Số người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau thực hiện sắp xếp, nhập thành đơn vị hành chính mới sẽ thực hiện bố trí, sắp xếp giảm dần theo lộ trình bảo đảm số lượng theo quy định.

- Sắp xếp, lựa chọn những người có đủ điều kiện về trình độ, năng lực đảm nhận nhiệm vụ; những người còn lại được nghỉ việc theo quy định và hưởng chế độ, chính sách theo Nghị quyết số 37/2023/NQ-HĐND ngày 29/12/2023 quy định chính sách hỗ trợ tinh giản biên chế thuộc diện dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025 và Nghị định số 29/2023/NĐ- CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế.

V. PHƯƠNG ÁN VÀ LỘ TRÌNH SẮP XẾP, XỬ LÝ TRỤ SỞ, TÀI SẢN CÔNG SAU SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ

a) Dự kiến trụ sở, tài sản công tiếp tục sử dụng sau sắp xếp:

- Sử dụng toàn bộ trụ sở làm việc của xã Hiệp Hòa hiện nay để làm trụ sở làm việc của ĐVHC mới.

- Toàn bộ cơ sở vật chất trong khuôn viên UBND xã Hiệp Thuận giao ĐVHC mới quản lý và đề xuất phương án sử dụng lâu dài với cơ quan có thẩm quyền.

- Giao ĐVHC mới quản lý, bố trí, sử dụng 01 trường học mẫu giáo Hoa Anh Đào tại xã Hiệp Thuận và 01 điểm trường tại xã Hiệp Hòa; 01 trường TH&THCS Lý Thường Kiệt và 02 điểm trường cấp tiểu học Lý thường Kiệt tại xã Hiệp Hoà.

- Sử dụng Trạm Y tế xã Hiệp Hòa làm Trạm Y tế của ĐVHC mới.

b) Chuyển giao trụ sở Trạm Y tế xã Hiệp Thuận cho ĐVHC mới quản lý, sử dụng.

VI. PHƯƠNG ÁN VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN CÁC CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI ĐVHC CẤP XÃ HÌNH THÀNH SAU SẮP

Ngay sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC, tiến hành rà soát, thực hiện các chính sách đặc thù đối với ĐVHC sau sắp xếp theo chỉ đạo của UBND tỉnh và các văn bản liên quan.

1. Rà soát đề nghị phân loại; xác định phụ cấp khu vực, miền núi đối với ĐVHC mới.

2. Rà soát, báo cáo việc điều chỉnh, bổ sung việc thực hiện chế độ, chính sách theo Chương trình mục tiêu quốc gia tại ĐVHC mới.

3. Lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh quyết định công nhận ĐVHC mới đạt chuẩn nông thôn mới.

4. Lập hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đới với ĐVHC mới.

VII. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ TRONG VIỆC SẮP XẾP ĐVHC, CẤP XÃ

1. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc triển khai
thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã

a) Phòng Nội vụ huyện

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng đề án và triển khai thực hiện các nội dung đề án khi được cấp có thẩm quyền thông qua.

- Tổng hợp toàn bộ hồ sơ, thủ tục báo cáo UBND huyện để trình Hội đồng nhân dân huyện thông qua và báo cáo UBND tỉnh theo đúng thời gian quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hiệp Đức, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn liên quan xác định địa giới hành chính và lập bản đồ hiện trạng của các đơn vị hành chính cấp xã trước và sau khi sắp xếp.

- Phối hợp với cơ các quan, ban, ngành liên quan tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong việc sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, các chức danh công chức, người hoạt động không chuyên trách tại ĐVHC sau sắp xếp; thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư trình cấp có thẩm quyền giải quyết.

b) Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện

- Căn cứ các quy định hiện hành, tham mưu UBND huyện phân bổ kinh phí và hướng dẫn sử dụng, quyết toán kinh phí thực xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã cho các cơ quan, đơn vị và UBND các xã liên quan.

- Hướng dẫn việc rà soát, xây dựng phương án tiếp nhận, bàn giao, sử dụng các trụ sở làm việc, tài sản, cơ sở vật chất của các địa phương khi thực hiện việc sắp xếp.

c) Phòng Tài Nguyên và Môi trường: Thống kê số liệu về diện tích tự nhiên, vị trí địa lý, quản lý biến động về đất đai của các đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp phục vụ cho việc triển khai thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và khi xã mới được thành lập; lập bản đồ hiện trạng của các đơn vị hành chính cấp xã trước và sau khi sắp xếp

d) Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện: Tham mưu, hướng dẫn việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, cập nhật quy hoạch liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thực hiện các nhiệm vụ khác theo chức năng nhiệm vụ được giao.

đ) Phòng Văn hóa và Thông tin huyện: Chủ trì, phối  hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thanh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu công tác tuyên truyền trước, trong và sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã.

e) Phòng Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, tham mưu bố trí mạng lưới trường, lớp phù hợp ở ĐVHC sau sắp xếp, đảm bảo thuận tiện cho học sinh và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất hiện có.

ê) Công an huyện

- Hướng dẫn về công tác hộ tịch, hộ khẩu và các thủ tục giấy tờ có liên quan của Nhân dân tại các đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp.

- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an xã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn đơn vị hành chính mới được sắp xếp; hướng dẫn người dân làm các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ nhân thân có liên quan khi người dân có yêu cầu.

g) Ban Chỉ huy Quân sự huyện

 - Phối hợp với các cơ quan liên quan đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với xã mới hình thành sau sáp nhập.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp chức danh Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã và hướng dẫn về tổ chức lực lượng dân quân sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

h) Các cơ quan, đơn vị liên quan: Theo chức năng nhiệm vụ, tham mưu, hướng dẫn các ĐVHC nằm trong diện sắp xếp theo Đề án, tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã  giai đoạn 2023 - 2025.

i) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Huyện ủy và các tổ chức chính trị - xã hội huyện: Tăng cường phối hợp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương sắp sắp ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện, giai đoạn 2023 - 2025.

2. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp

a) Đảng ủy các xã trong phạm vi điều chỉnh của Đề án

- Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, quán triệt chủ trương của Đảng về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025;

- Chỉ đạo chính quyền, các ngành, đoàn thể và các tổ chức đóng trên địa bàn ổn định tổ chức, tập trung phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo thực hiện tốt việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức theo thẩm quyền.

b) UBND các xã trong phạm vi điều chỉnh của Đề án

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn cấp xã thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính; lập danh sách cử tri, tổ chức niêm yết và lấy ý kiến cử tri; thông qua HĐND cấp xã; kiểm tra, tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo UBND cấp huyện; thực hiện nội dung công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng quy định.

- Phối hợp với các ngành liên quan thực hiện bàn giao, tiếp nhận tổ chức bộ máy, hồ sơ, tài liệu, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính … sau khi sắp xếp thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới.

- Phối hợp với cơ quan liên quan trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, NHĐKCT khi thực hiện sắp xếp ĐVHC.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và giao dịch ở ĐVHC mới sau khi sắp xếp; chuyển đổi các loại giấy tờ đối với cá nhân, tổ chức theo thẩm quyền.

c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các xã trong phạm vi điều chỉnh của Đề án

- Phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện, giai đoạn 2023 - 2025.

- Phối hợp với cơ quan liên quan trong việc kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí sắp xếp cán bộ, người hoạt động không chuyên trách của tổ chức mình theo quy định.

VIII. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Kết luận

Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện Hiệp Đức giai đoạn 2023-2025 nhằm cụ thể hóa chủ trương tiếp tục đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị “về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã”.

Sắp xếp ĐVHC cấp xã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, giảm chi ngân sách; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tạo sự bền vững trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Kiến nghị

- Không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đối với huyện Hiệp Đức do có yếu tố đặc thù theo Nghị quyết 35/NQ-UBTVQH15.

- Quan tâm, có chính sách hỗ trợ đầu tư nguồn lực cho đơn vị hành chính mới thành lập sau sắp xếp, nhất là các chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện các thiết chế văn hóa nhằm bảo đảm đơn vị hành chính mới thành lập có điều kiện thuận lợi hơn trước.

- Sớm chỉ đạo, tổ chức xây dựng bản đồ địa giới hành chính ở ĐVHC mới thành lập và các ĐVHC chịu tác động để thuận lợi trong công tác quản lý địa bàn.

- Đề nghị quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ. Đồng thời thực hiện đảm bảo các nội dung quy định tại Điều 21 của Nghị quyết số 35/2023/NQ-UBTVQH15 ngày 15/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trên đây là Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 của huyện Hiệp Đức, kính trình UBND tỉnh xem xét, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.

Tác giả: VP

Nguồn tin: Trích từ Đề án của UBND huyện Hiệp Đức

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

THÔNG BÁO


huyện phước sơn

LIÊN KẾT WEB

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HIỆP THUẬN, HUYỆN HIỆP ĐỨC
Địa chỉ: Xã Hiệp Thuận - Huyện Hiệp Đức - Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại : (02353)... - Fax: (02353)...
Email:...
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập