Mode:         

GIỚI THIỆU

Sáng ngày 28/4/2016 Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN xã Hiệp Thuận tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu AHLLVTND và khai mạc Đại hội TDTT lần thứ VIII. Tham dự Lễ có các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, TT HĐND, UBND, TT UBMTTQ Việt Nam, các ban ngành của huyện; nguyên là lãnh đạo huyện; Đảng bộ và nhân dân toàn xã Hiệp Thuận.


Tại buổi, Lễ đồng chí Lương Văn Hào- Bí thư Đảng ủy, thay mặt Đảng bộ xã đã đọc Diễn văn nêu quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương của Đảng bộ và nhân dân Hiệp Thuận qua các thời kỳ. Diễn văn có đoạn: Nhìn lại chặng đường hơn 86 năm qua, chúng ta không thể không tự hào, rằng cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hiệp Thuận đã nối tiếp nhau hưởng ứng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Đảng, đem hết nhân tài vật lực đóng góp xứng đáng vào công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước.

Khởi đầu, là vào năm 1858, thực dân Pháp tiến hành đặt ách đô hộ lên đất nước ta. Dưới chế độ hà khắc của bọn chúng, nhân dân ta phải sống trong cảnh cơ hàn khốn khổ, hàng trăm thứ thuế vô lý đã đè nặng lên vai từng người dân đất Việt, làm cho nhân dân ta cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, con xa cha, vợ xa chồng. Nhưng rồi, có áp bức ắt phải có đấu tranh. Từ thân phận của người làm nô lệ, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, cùng với cả nước, cán bộ, đảng viên xã Hiệp Thuận đã lãnh đạo nhân dân vùng lên chống giặc, góp phần làm nên cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam.

Nhưng, sau thắng lợi chưa được bao lâu, thì thực dân Pháp lại xâm lược nước nước ta một lần nữa. Cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai lại bắt đầu bùng nổ. Ở Hiệp Thuận (lúc bấy giờ là một phần của xã Liên Giang), dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Quế Sơn, các đồng chí Phan Diêu, Phạm Đình Quang, Trần Lam, Trần Đường, Ngô Tiến, Nguyễn Tiếu… được phân công lãnh đạo phong trào đấu tranh chống Pháp.

Trước yêu cầu bức thiết của tình hình, năm 1946, chi bộ Đảng của xã Liên Giang được thành lập, với 8 đảng viên, đã lãnh đạo nhân dân, tổ chức mít tinh, biểu thị sự ủng hộ của toàn dân đối với Đảng và Chính phủ về chủ trương của cuộc kháng chiến cứu quốc.

Bước sang năm 1954, địch bị tổn thất nặng nề trên khắp các chiến trường, khí thế đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân cả nước nói chung, và của nhân dân Hiệp Thuận nói riêng được dấy lên mạnh mẽ; cùng với sự chỉ đạo kịp thời của Huyện uỷ Quế Sơn, chi bộ bí mật xã do đồng chí Nguyễn Hoành làm Bí thư đã khéo léo đưa những cán bộ, đảng viên chưa bị lộ vào làm việc trong bộ máy Hội đồng Hương chính của địch. Nhờ vậy mà ta đã nắm được âm mưu đánh phá của địch để đối phó. Được một thời gian, tuy không tìm ra manh mối, nhưng có những dấu hiệu nghi ngờ, nên bọn địch đã tiến hành giải tán Hội đồng Hương chính cũ và tổ chức sáp nhập 3 xã Hiệp Thuận, Bình Kiều, Nhơn Trạch (tức Trà Linh) thành xã Sơn Tân và lập nên Hội đồng Hương chính mới.

Trước tình hình đó, chi bộ Đảng xã Sơn Tân cũng được hình thành, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng, nhân dân trong xã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống địch. Trận đầu tiên là vào năm 1960, du kích hai xã Sơn Tân và Quế Lâm phối hợp với bộ đội huyện Quế Sơn, phục kích đánh vào đội hình địch, tiêu diệt gần như toàn bộ một đại đội địch. Cuối năm 1966, bọn địch tổ chức càn quét với quy mô lớn, lực lương du kích xã chặn đánh quân Mỹ thuộc lực lượng không vận số 1 tại khu vực trại Bà Lam (ruộng Bàu), diệt 4 tên, thu 4 súng.

Tháng 7/1967, du kích xã, phối hợp với Trung đoàn 31 của Quân khu đánh và tiêu diệt hoàn toàn bọn biệt kích tại núi Chôm (Dốc Dầu), thu nhiều vũ khí và đạn dược các loại. Cũng trong thời gian này, một Tiểu đoàn lính cộng hòa, có máy bay yểm trợ, mở cuộc càn quét lấn chiếm đến Nà Miếu, du kích xã do đồng chí Nguyễn Văn Mỹ chỉ huy, đã chặn đánh quyết liệt, tiêu diệt tại chỗ 11 tên địch, bắn bị thương nhiều tên khác, thu 10  súng các loại. Đồng chí Võ Bến bắn rơi một máy bay trực thăng, tiêu diệt giặc lái và toàn bộ số lính trên máy bay. Nhằm cứu nguy cho đồng bọn, bọn Mỹ lập tức đổ quân tiếp viện xuống Nà Tú, bị du kích xã tiếp tục chặn đánh tiêu diệt 6 tên và thu nhiều vũ khí, buộc chúng phải quay trở về quận lỵ Quế Sơn.

Tháng 4/1969, được sự giúp đỡ của nhân dân, anh em du kích Hiệp Thuận trong đội du kích xã Sơn Tân đã tiến đánh và tiêu diệt gọn đại đội Mỹ Lếch tại Gò Dưa; Tháng 6/1969, du kích xã chặn đánh Mỹ tại Hòn Kẽm - Đá Dừng từ dưới Nhụ Sơn càn lên, tiêu diệt nhiều tên địch, phá hủy 05 thuyền quân sự, buộc chúng phải tháo chạy về Trung Phước.

Năm 1971, bộ đội chủ lực phối hợp với du kích địa phương tiến đánh và tiêu diệt Sư đoàn 2 của ngụy tại Khe Hương thu nhiều vũ khí và đạn dược.

Năm 1972, Huyện uỷ Quế Tiên điều động nhiều cán bộ, du kích xã Sơn Tân bổ sung cho bộ đội huyện. Toàn xã đã huy động hàng trăm dân công đi vận chuyển súng đạn, lương thực, thực phẩm ra mặt trận; điều động 1 trung đội du kích lên đường tham gia chiến đấu.

Đêm 29/4/1972, đại đội 3, tiểu đoàn 19, trung đoàn 38, sư đoàn 711, quân khu V, phối hợp với du kích và bộ đội địa phương, đánh chiếm cứ điểm Gò Chùa, Đồi Tranh; khống chế Đồi Sơn; phá tan khu dồn Hiệp Đức, đưa nhân dân Tân Thuận, Bình Kiều, Trà Linh, Đồng Làng trở về làng cũ; toàn bộ bộ máy ngụy quân, ngụy quyền tại quận lỵ Hiệp Đức cắt đường tháo chạy, huyện Quế Tiên được giải phóng. Từ đây, quân dân trong xã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, ổn định đời sống, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4 năm 1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Huyện Quế Tiên giải thể, xã Sơn Tân và một số xã khác được bàn giao về huyện Quế Sơn.

Năm 1978 - 1979 nhân dân ta lại phải cầm súng lên đường chiến đấu chống lại hai cuộc chiến tranh xâm lược ở Tây Nam và toàn tuyến biên giới phía Bắc để bảo vệ từng tất đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ở Hiệp Thuận đã có 42 quân nhân nhập ngũ, trong đó có 04 chiến sĩ Bùi Văn Tình, Huỳnh Văn Vững, Võ Hữu Triết và Lê Tá đã anh dũng hy sinh. Như vậy, sau năm 1979 đất nước ta mới được hòa bình, nhưng hậu quả tàn phá của  các cuộc chiến tranh để lại hết sức nặng nề. Xã Sơn Tân được đổi tên thành xã Quế Tân, và cho đến năm 1994 xã Quế Tân được chia tách thành hai xã Hiệp Hòa và Hiệp Thuận. Hiệp Thuận lúc bấy giờ chỉ có trên 600 người dân, mà đã có 79 liệt sĩ, 40 thương, bệnh binh; 71 người bị địch bắt tù đày; có 23 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó chỉ có một mẹ còn sống.

Từ những thắng lợi và thành tựu đạt được, nhân dân xã Hiệp Thuận vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng trên 130 Huân, Huy chương, Bằng khen các loại trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ xây dựng đất nước. Và hôm nay, Hiệp Thuận vinh dự được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và LLVTND xã./.

THÔNG BÁO


huyện phước sơn

LIÊN KẾT WEB

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HIỆP THUẬN, HUYỆN HIỆP ĐỨC
Địa chỉ: Xã Hiệp Thuận - Huyện Hiệp Đức - Tỉnh Quảng Nam
Số điện thoại : (02353)... - Fax: (02353)...
Email:...
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập