Năm 2018 Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tích cực tham mưu UBND huyện Hiệp Đức triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tín dụng chính sách, nhất là tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đưa Chỉ thị của Đảng đi vào cuộc sống; chỉ đạo đối chiếu, phân loại nợ vay; duy trì hoạt động Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định.
Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện họp sơ kết
Qua báo cáo tổng kết năm 2018, trên cơ sở nguồn vốn tỉnh phân bổ trong năm 2018 (9 đợt) với số tiền 22.358 triệu đồng và vốn ngân sách huyện chuyển 100 triệu, Ban đại diện đã phân bổ kịp thời cho UBND các xã, thị trấn tổ chức cho vay, không để tồn đọng vốn. Tổng nguồn vốn cho vay năm 2018 là 251.724 triệu đồng, tăng so với năm 2017 là 17.938 triệu đồng, tốc độ tăng 7,67%. Trong đó: tỷ lệ vốn ngân sách Trung ương 97,19%; vốn ngân sách tỉnh 2,61%; ngân sách huyện 0,20%. Đã xét duyệt cho 1.880 lượt hộ vay với số tiền 78.856 triệu đồng (cả vốn kế hoạch mới và đáo hạn). Quy trình bình xét cho vay, xác nhận hộ vay vốn được thực hiện một cách công khai, dân chủ và đúng đối tượng thụ hưởng. Dư nợ bình quân hộ vay tăng từ 39,48 triệu năm 2017 lên 43,85 triệu. Có 07/17 chương trình cho vay có dư nợ tăng số tiền 37.136 triệu đồng, gồm: cho vay hộ mới thoát nghèo tăng 20.865 triệu; cho vay giải quyết việc làm tăng 2.414 triệu; cho vay nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn tăng 1.500 triệu; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn tăng 9.812 triệu; cho vay làm nhà ở theo Quyết định 33 tăng 495 triệu; cho vay xuất khẩu lao động tăng 50 triệu và triển khai cho vay 2 chương trình tín dụng mới số tiền 2.000 triệu (cho vay phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg với số tiền 1.000 triệu/31 hộ và cho vay phát triển và quản lý nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP với số tiền 1.000 triệu/06 hộ). Từng chương trình cho vay được tổ chức triển khai kịp thời, vốn tín dụng được phân bổ đến các thôn, khối phố và được tập trung đầu tư vào những ngành nghề, cây trồng, con vật nuôi phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Các chỉ tiêu hoạt động tín dụng tăng, chất lượng tín dụng ngày càng nâng cao, đã kịp thời củng cố các tổ TK&VV, tăng cường kiểm tra, giám sát đến từng Tổ TK&VV, từng hộ vay; quản lý chặt chẽ món vay trên 2 tháng không hoạt động. Nhờ đó, tổng thu lãi đạt 15.863 triệu; xử lý dứt điểm 1.348 món vay đến hạn số tiền 34.743 triệu đồng, đạt 100%; khống chế tốt nợ quá hạn, không để phát sinh. Chú trọng việc huy động vốn, số dư đến nay là 25.323 triệu, tăng 6.618 triệu so với 2017, đạt 111,77% kế hoạch. Có 109/145 tổ TK&VV không có nợ lãi; 144/145 tổ TK&VV không có nợ quá hạn. Tổ TK&VV được kiểm tra, đánh giá xếp loại khá, tốt đạt 99,3%...
Thông qua việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đã làm thay đổi tư duy nhận thức làm kinh tế của nhân dân, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nhiều hộ đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của bà Hà Thị Thanh Bình ở thôn 2, xã Quế Lưu; mô hình trồng cây dược liệu (cây đinh lăng) của ông Huỳnh Kim Thạch ở thôn 1, xã Bình Sơn; mô hình trồng nấm của Bà Nguyễn Thị Minh Thủy ở thôn Nhì Tây, xã Bình Lâm; mô hình nuôi gà giống của ông Tạ Đình Dũng thôn Phú Toản, xã Thăng Phước... Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, các chương trình tín dụng phục vụ an sinh xã hội cũng được triển khai đồng bộ, đã tạo điều kiện cho hơn 649 học sinh sinh viên học đại học, cao đẳng có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để tiếp tục đi học, 859 hộ nghèo có nhà ở ổn định, 480 lao động có việc làm, nhiều hệ thống nước sạch được xây dựng... Đặc biệt, thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết 13/2017/NQ-HĐND, ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh Quảng Nam, trong năm 2018 đã giải ngân số tiền 20.902 triệu đồng cho 430 hộ đăng ký thoát nghèo có nhu cầu vay vốn, nâng tổng dư nợ cho vay theo Nghị quyết 13 lên 23.952 triệu với 493 hộ vay.
Có thể nói, kết quả hoạt động chương trình tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giúp người nghèo tăng cường khả năng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, để có vốn sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 16,79% (năm 2017) xuống còn 13,3% (năm 2018), hộ cận nghèo từ 5,5% xuống còn 4,25%. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp sử dụng vốn chưa hiệu quả, dẫn đến chậm trả lãi, làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của chương trình.
Ngân hàng chính sách xã hội bàn giao nhà tình nghĩa
Năm 2019, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp bám sát nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và chỉ tiêu kế hoạch vốn tỉnh phân bổ để chủ động đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp giữ vững chất lượng tín dụng một cách ổn định, bền vững. Ưu tiên nguồn vốn cho các xã, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, các xã đang trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới và ưu tiên đối với cho vay chính sách khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết 13/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, để nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết của Huyện ủy đã đề ra và từng bước tiến đến giảm nghèo bền vững./.
Mai Hiền