Chiều ngày 22/7, Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN huyện Hiệp Đức đã tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). Dự buổi gặp mặt có đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan - UVBTV, Trưởng BTG Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Trần Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Văn Nam - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí trong BTV Huyện ủy; đại biểu người có công tiêu biểu trong huyện và các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách người có công.
Hiệp Đức là vùng căn cứ cách mạng nên trong các cuộc kháng chiến, quân và dân Hiệp Đức không sợ hy sinh gian khó, kế tiếp nhau lên đường ra trận, có mặt trên khắp chiến trường, làm nên nhiều chiến công hiển hách. Nhiều trận đánh anh dũng của quân và dân Hiệp Đức đã đi vào lịch sử như cuộc khởi nghĩa Làng Ông Tía, Cao Lao, Liệt Kiểm, Chia Gan, Đồng Làng… và Hiệp Đức là căn cứ kháng chiến cuối cùng của Khu ủy khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần vào giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Sau ngày quê hương được giải phóng, hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề. Cùng với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, trong thời gian qua, với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện đã triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công cách mạng. Phong trào đền ơn đáp nghĩa thường xuyên được phát động sâu rộng đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, giúp cho những gia đình có công cách mạng vơi đi những nỗi nhọc nhằn, khó khăn trong cuộc sống đời thường. Hàng năm, ngân sách Trung ương đã dành hơn 25 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi cho hơn 1.100 người có công; đã hỗ trợ xây dựng 1.273 ngôi nhà với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Các chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho bản thân và con em gia đình chính sách đã giúp cho hàng ngàn người được chăm sóc sức khỏe, có nghề nghiệp và việc làm ổn định, cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Cùng với việc thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công, công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và đầu tư, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ xã, thị trấn là nhiệm vụ thường xuyên được huyện chú trọng quan tâm. Đặc biệt đã huy động xây dựng Đền Liệt sĩ với kinh phi gần 30 tỷ đồng để ghi danh, tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, mong muốn bù đắp phần nào cho những hy sinh, mất mát của người có công và gia đình người có công trong huyện.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc các Anh hùng liệt sỹ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình người có công với cách mạng đã suốt đời phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng cao cả của Đảng, của dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân. Đồng chí Bí thư Huyện ủy yêu cầu trong thời gian tới, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu mạnh, công tác chăm sóc người có công phải được xem là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên và liên tục, lâu dài. Trước hết, cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chăm sóc người có công. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương của Đảng pháp luật của nhà nước đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công, trong đó đặc biệt quan tâm các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công tại 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã được công nhận ATK, vùng căn cứ cách mạng Khu ủy khu 5. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực, sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công cách mạng. Làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình di tích; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin, nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, vận động để công tác này thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên và thế hệ trẻ. Tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội; thường xuyên động viên khích lệ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại buổi gặp mặt, huyện đã tặng quà 82 người có công tiêu biểu; tặng Giấy khen cho 22 cá nhân người có công tiêu biểu; 3 tập thể, 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách người có công và công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn huyện.
VP